Cho vay BĐS đầu tư: Làm sao hạn chế rủi ro?
Ông Khương cho rằng, hiện nay trong lĩnh vực cho vay đầu tư BĐS các ngân hàng đều chủ yếu tập trung cho vay ở 3 phân khúc BĐS truyền thống là chung cư, biệt thự, liền kề, sàn thương mại; BĐS 2,3 trong 1 như shop-house, officetel, Shop-Office, Office-house và BĐS nghỉ dưỡng gồm Condotel, biệt thự nghỉ dưỡng.
"Sở dĩ cho vay đầu tư BĐS có sự tăng trưởng mạnh thời gian qua là do sự phối kết hợp từ các chủ đầu tư, nhà đầu tư và ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn tiềm ẩn không ít rủi ro. Trong đó đáng chú ý là rủi ro về pháp lý khi có nhiều quy định chưa rõ ràng và thiếu đồng bộ. Ngoài ra, cũng chưa có hành lang pháp lý cụ thể nào cho loại hình BĐS 2,3 trong 1", ông Khương nhấn mạnh.
Ông Phùng Duy Khương, Giám đốc khối bán lẻ VietinBank
"Đó là chưa kể, rủi ro từ phía thị trường cũng rất lớn trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư chỉ đầu tư theo xu hướng mà thiếu kinh nghiệm và năng lực tài chính, trong khi thị trường thiếu thông tin minh bạch, một số chủ đầu tư còn thiếu năng lực, uy tín", đại diện Vietinbank cho biết.
Ngoài ra, ông Khương cũng đánh giá, hiện nay, để giảm bớt rủi ro cho các khách hàng khi tham gia vay vốn đầu tư BĐS, ngân hàng Vietinbank đang có chính sách hợp tác với các chủ đầu tư lớn. Cụ thể, ngân hàng này vừa kết hợp với chủ đầu tư thực hiện chương trình ưu đãi lãi suất. Theo đó, tại nhiều dự án mà Vietinbank đang cho vay được áp lãi suất ưu đãi từ 7,5% và cam kết cho vay tới 85% dự án.
“Trong năm 2015 vừa qua, chúng tôi đã đạt được những kết quả đáng chú ý trong công tác cho vay đầu tư BĐS. Trong đó, Vietinbank đạt tốc độ tăng trưởng 51% về dư nợ bán lẻ năm 2015, 230% tốc độ tăng trưởng dự nợ BĐS 2015, 115% tốc độ tăng trưởng số lượng khách hàng”, Giám đốc khối bán lẻ VietinBank cho biết.
Ông Khương cũng cho rằng, hiện nay có nhiều yếu tố cản trở tới hoạt động cho vay vốn của các chủ đầu tư. Đầu tiên phải kể đến việc nhiều quy định trong các luật còn có sự chồng chéo nhau. Đặc biệt là những vướng mắc trong vấn đề bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Nguyên nhân chính là do chủ đầu tư không có đủ tài sản đảm bảo, trong khi ngân hàng và chủ đầu tư lại không thống nhất được phí bảo lãnh. Nhiều trường hợp nhà băng không bảo lãnh nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp được vì vượt giới hạn tín dụng đối với 1 chủ đầu tư.
Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, ông Khương kiến nghị các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ các hướng dẫn nhận thế chấp cũng như điều kiện giao dịch đảm bảo đối với Nhà ở hình thành trong tương lai. Bên cạnh đó, ban hành hành lang pháp lý riêng cho loại BĐS 2,3 trong 1, BĐS nghỉ dưỡng và tháo gỡ vướng mắc về văn bản bảo lãnh, văn bản đủ điều kiện bán.
Còn về phía nhà đầu tư, theo vị chuyên gia đến từ Vietinbank, khách hàng cần tìm hiểu đầy đủ thông tin về chủ đầu tư, dự án và chỉ quyết định đầu tư khi đã tìm hiểu thận trọng, chắc chắn. Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần tìm hiểu và không nên bỏ qua các quyền lợi chính đáng của người mua nhà theo quy định của Luật mới (văn bản giải chấp, văn bản bảo lãnh, tiến độ đóng tiền trước khi bàn giao/trước khi được cấp GCN,…)
TIN CŨ HƠN
TIN LIÊN QUAN